Quy định về quy cách trình bày Khóa luận, Niên luận

5 năm trước

QUY ĐỊNH

VỀ QUY CÁCH KHÓA LUẬN, NIÊN LUẬN

(Áp dụng từ năm 2012)

1. Soạn thảo văn bản

Khóa luận,  Niên luận sử dụng font chữ Times New Roman, cỡ chữ 13 hoặc 14 của hệ soạn thảo Winword hoặc tương đương, dãn dòng đặt chế độ 1,5 lines. Lề trên 3,5cm, lề dưới 3,0 cm, lề trái 3,5 cm, lề phải 2 cm. Số trang được đánh ở giữa, phía trên đầu mỗi trang giấy.

Khóa luận,  Niên luận  được in trên một mặt giấy A4.

Số trang Khóa luận (cả ba ngành Văn học, Ngôn ngữ, Hán Nôm) đều có số trang tối thiểu là 50 trang, tối đa là 70 trang, tính từ Phần mở đầu cho đến hết trang Tài liệu tham khảo (Không kể Phụ lục )

Số trang  Niên luận tối thiểu là 20 trang, tối đa là 30 trang, tính từ Phần mở đầu cho đến hết trang Tài liệu tham khảo(Không kể Phụ lục)

           Chú ý: Số trang tối thiểu và tối đa của Khóa luận, Niên luận là bắt buộc. Khoa sẽ không nhận bất kỳ đề tài nào không đủ số trang tối thiểu hoặc vượt quá số trang tối đa trước khi đưa ra hội đồng chấm.

2. Tiểu mục

Các tiểu mục của Khóa luận,  Niên luận được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ: 3.1.2.1. chỉ tiểu mục 1, nhóm tiểu mục 2, mục 1, chương 3). Các chương mục được ghi theo cách dưới đây:

Chương 1: …

1.1. …

1.1.1. …

1.1.2. …

3. Viết tắt

Không lạm dụng việc viết tắt trong đề tài. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong đề tài. Không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong đề tài. Nếu luận văn có nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo thứ tự ABC) ở phần đầu của công trình.

 

4. Tài liệu tham khảo và cách trích dẫn

– Việc trích dẫn các tài liệu để làm luận cứ, luận chứng cho đề tài đòi hỏi phải chính xác, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của tài liệu. Nghiêm cấm việc đạo văn.

– Khi cần trích dẫn một đoạn ít hơn hai câu hoặc bốn dòng đánh máy thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép để mở đầu và kết thúc phần trích dẫn. Nếu cần trích dẫn dài hơn thì phải tách phần này thành một đọan riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với lề trái lùi vào thêm 2 cm và lúc này không cần sử dụng dấu ngoặc kép.

– Cách ghi chú thích tài liệu tham khảo được trích phải bao gồm cả số thứ tự của tài liệu trong Tài liệu tham khảo và số trang được trích (đối với tài liệu là sách hoặc tạp chí ), ví dụ [5, tr. 30] tức là tài liệu số 5, trang 30. Đối với các tài liệu trích từ báo in, báo trực tuyến thì chỉ ghi số thứ tự của tài liệu, không ghi số trang, ví dụ [15] tức tài liệu số 15. Hình thức ghi dấu móc vuông [   ] là đúng quy cách.

– Tên sách, tên tác phẩm in nghiêng, không có dấu kép, ví dụ: Thời xa vắng

5. Phụ lục của đề tài

Phụ lục bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh họa, bổ trợ cho nội dung của đề tài như số liệu, tranh ảnh… Phụ lục không được dày hơn phần chính  của đề tài.

6. Bố cục của đề tài

+ Đề tài được cấu trúc 3 phần: mở đầu, nội dung và kết luận.

Phần mở đầu gồm có các nội dung chính theo thứ tự như sau: Mục đích, ý nghĩa của đề tài; Lịch sử vấn đề; Đối tượng và phạm vi nghiên cứu; Phương pháp nghiên cứu; Kết cấu của đề tài.

Phần nội dung bao gồm các chương của đề tài (Tiêu đề các chương in hoa, tiêu đề các mục, tiểu mục in thường, đậm).

Phần kết luận thâu tóm các luận điểm chính được phân tích, chứng minh trong đề tài.

+ Bố cục của đề tài dựa trên mẫu sắp xếp mục lục của đề tài như sau:

– Trang bìa ngoài

– Trang bìa trong (trang phụ bìa)

– Lời cảm ơn

– Mục lục

– Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt (nếu có)

– Trang ghi lời NHẬN XÉT CỦA NGƯỜI HƯỚNG DẪN

– Trang ghi lời NHẬN XÉT CỦA NGƯỜI PHẢN BIỆN

– PHẦN MỞ ĐẦU

– PHẦN NỘI DUNG

– PHẦN KẾT LUẬN

– TÀI LIỆU THAM KHẢO

– PHỤ LỤC    (nếu có)

7. Cách ghi trang Tài liệu tham khảo

– Tài liệu tham khảo xếp theo thứ tự ABC tên tác giả (sách, bài báo)

– Trong từng tài liệu phải ghi theo đủ các thông số, ví dụ:

1. Ngô Thanh Phùng (2009), Dấu ấn hiện đại trong tiểu thuyết Nhất Linh, Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế.

2. Trần Đình Sử (2000), Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB Văn học, Hà Nội.

3. Bùi Thị Thiên Thai (2011), “Đoàn Thị Điểm và Truyền kỳ tân phả”, tạp chí Nghiên cứu văn học,  Hà Nội, số 1, tr. 35-50.

 8. Trình bày bìa Khóa luận, Niên luận

– Trang bìa ngoài: đối với Khóa luận in bìa cứng (màu đỏ hoặc xanh), chữ màu vàng; đối với  Niên luận chỉ in bìa mềm.

– Hình thức trình bày trang bìa ngoài Khóa luận ( Niên luận cũng trình bày tương tự)  (xem mẫu kèm)

 

 

–  Mẫu  trang bìa ngoài

 

ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

KHOA NGỮ VĂN

(In hoa, cỡ chữ 14)

HỌ VÀ TÊN NGƯỜI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

(In hoa, cỡ chữ 14)

TÊN ĐỀ TÀI

(In hoa cỡ chữ 16 -20)

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

KHÓA 31

Ngành: … (ví dụ: Văn học)

(Cỡ chữ 14)

Huế, 2012

(Chữ thường, cỡ chữ 14)

– Mẫu  trang bìa trong

ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

KHOA NGỮ VĂN

(In hoa, cỡ chữ 14)

HỌ VÀ TÊN NGƯỜI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

(In hoa, cỡ chữ 14)

TÊN ĐỀ TÀI

(In hoa cỡ chữ 16 – 20)

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

KHÓA 31

Ngành: … (ví dụ: Văn học)

(Cỡ chữ 14)

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

Ví dụ: Ths. Nguyễn Văn A

   (In hoa, cỡ chữ 14)

Huế, 2012

(Chữ thường, cỡ chữ 14)