Hán Nôm – Hệ cử nhân

8 năm trước

HÁN NÔM: NGÀNH HỌC GÌN GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG, KẾT NỐI QUÁ KHỨ VỚI HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

 

Hán Nôm là gì? Ngành Hán Nôm là ngành học thế nào? Học ngành này ra sẽ làm gì?… Đó là câu hỏi luôn được đặt ra của không ít học sinh và phụ huynh học sinh.

Hán Nôm hay còn gọi là di sản Hán Nôm là toàn bộ hệ thống thư tịch viết bằng chữ Hán chữ Nôm và di tích có lưu giữ văn tự Hán – Nôm. Ngành Hán Nôm là ngành học nghiên cứu về cổ văn (chữ Hán, chữ Nôm, ngữ pháp Hán cổ) thông qua hệ thống văn bản Hán văn (Trung Quốc, Việt Nam); chữ Nôm, văn bản Nôm cùng với tri thức về văn hóa phương Đông, tư tưởng Nho – Phật – Đạo, tiếng Trung hiện đại. Hệ thống thư tịch, di tích Hán Nôm hiện còn chính là minh chứng hùng hồn khẳng định đó là di sản quý báu của dân tộc; là cầu nối giúp thế hệ ngày nay hiểu về quá khứ. Từ đó, trân trọng hơn những thành quả ông cha gửi gắm trong thư tịch Hán Nôm. Người học Hán Nôm vì thế được trang bị các tri thức cần thiết về các môn học chuyên ngành, các môn học liên ngành đặc biệt là rèn luyện tính cần cù, cẩn trọng, hiếu cổ.

Trước nhịp sống hối hả của xu hướng toàn cầu hóa, việc tìm về nguồn cội, chọn học Hán Nôm chính là một hướng đi cần thiết để giữ gìn được những truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn năm xây dựng của cha ông. Ngành học đào tạo ra những cử nhân Hán Nôm tương lai, thực hiện nhiệm vụ giải độc, giới thiệu văn bản, thư tịch Hán Nôm ở các trung tâm văn hóa, các viện nghiên cứu văn học, lịch sử; giảng dạy Hán Nôm tại các trường Đại học, Cao đẳng; hướng dẫn viên du lịch…

Ở vị trí nào, cử nhân Hán Nôm cũng làm tốt vai trò của mình, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam “hội nhập” mà “không hòa tan”, “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây chính là ưu điểm của ngành Hán Nôm: ngành học gìn giữ những giá trị truyền thống, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.