THUYẾT TRÌNH KHOA HỌC: “VĂN BẢN THƠ VÀ SỰ BẤT ỔN CỦA QUÁ TRÌNH TẠO NGHĨA”
1 ngày trước
Trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu, quý thầy cô, học viên, sinh viên, học sinh và quý vị quan tâm đến tham dự buổi thuyết trình khoa học “Văn bản thơ và sự bất ổn của quá trình tạo nghĩa”.
– Thời gian: 8h00 ngày 23 tháng 5 năm 2025
– Địa điểm: Hội trường D.502
– Diễn giả: Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung
– Nội dung: Nhận ra sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, tư duy lý luận văn học không còn phụ thuộc nhiều vào Mỹ học sáng tạo mà ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của Mỹ học tiếp nhận. Mỹ học tiếp nhận đã giúp các nhà lý luận văn học nhận thức sâu sắc rằng cơ chế tạo nghĩa của văn bản thơ không ổn định, nó mang tính quá trình. Bên cạnh nghĩa đang tồn tại của văn bản thơ là nghĩa được thiết lâp trong quá trình tiếp nhận. Từ đây có hai vấn đề đặt ra liên quan đến phương thức tồn tại của tác phẩm văn học: Một là tính chất ngôn ngữ, cái quyết định đặc trưng bản thể của văn bản thơ. Hai là khả năng tạo lập một đời sống cụ thể của văn bản thơ, độc lập với chủ ý của nhà thơ. Các yếu tố trên đây sẽ tham dự vào quá trình tạo nghĩa của văn bản thơ, một quá trình chứa đầy bất ổn, nhưng lại làm nên sự hấp dẫn của một bài thơ.
– Thông tin về diễn giả: Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung quê ở Nghệ An; công tác ở Viện Văn học từ năm 1978; bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Budapest, Hungary vào năm 1984. Hướng nghiên cứu chính của ông là các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa văn bản và người đọc, giữa văn học và hiện thực, với các công trình: Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1998), Tác phẩm văn học như là quá trình (2004), Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukacs Gyorgy (2018), Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa (2021, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021),… Ông cũng là dịch giả có uy tín với các tác phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du (ra tiếng Hungary, 1984), Lâu đài của Franz Kafka (1998), Trên đường đến với ngôn ngữ của Martin Heidegger (2004), Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học của Hans Robert Jauss (2004),… Đặc biệt, ông còn là tác giả của hai tập thơ: Những kỷ niệm tưởng tượng (2011, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2011) và Em là nơi anh tị nạn (2020).