Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn học “Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học”
Ngày 18 tháng 10 năm 2016, tại Hội trường Đại học Huế, số 4 Lê Lợi, thành phố Huế, NCS. Văn Thị Phương Trang đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Đại học Huế, chuyên ngành Văn học Việt Nam, với đề tài “Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học”, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Hồ Thế Hà. Các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế của NCS. Văn Thị Phương Trang gồm có: GS.TS Trần Đăng Suyền, PGS.TS Đỗ Lai Thuý, PGS. TS Võ Văn Nhơn, PGS. TS Nguyễn Phong Nam, TS. Tôn Thất Dụng, TS. Nguyễn Văn Đấu và TS. Hà Ngọc Hòa.
NCS. Văn Thị Phương Trang đã bảo vệ thành công luận án của mình tại Đại học Huế
Học thuyết phân tâm học vốn du nhập vào nước ta từ những năm đầu thế kỷ XX. Do điều kiện xã hội – lịch sử, quá trình tiếp nhận học thuyết trải qua nhiều thăng trầm. Phân tâm học đã trở thành phương pháp phê bình có hiệu quả khi đi sâu vào thế giới nhân vật với tất cả những phức cảm, ẩn ức cũng như đời sống vô thức, tâm linh. Đặc biệt, với tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, khi mỗi nhà văn đều ý thức việc mở rộng biên độ hiện thực từ hiện thực bên ngoài sang hiện thực tâm hồn, việc vận dụng lý thuyết phân tâm học để soi chiếu vào tác phẩm là điều cần thiết.
NCS. Văn Thị Phương Trang và PGS.TS. Hồ Thế Hà, người hướng dẫn khoa học
Với đề tài “Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học”, NCS Văn Thị Phương Trang đã chọn một góc nhìn thú vị để soi rọi, phân tích hiện tượng văn chương đương đại, qua đó khẳng định dấu ấn và thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI trong đời sống văn học Việt Nam hậu Đổi mới.
Đối tượng nghiên cứu của luận án tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI qua một số hiện tượng văn học nổi bật giai đoạn này như Nguyễn Đình Tú, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Y Ban, Thuận, Dạ Ngân, Thủy Anna, Võ Thị Xuân Hà…
Luận án trình bày một cách hệ thống, khoa học về tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, luận án đi sâu vấn đề các kiểu nhân vật như kiểu nhân vật với đời sống vô thức – tâm linh, kiểu nhân vật với các phức cảm tâm lý và kiểu nhân vật với đời sống tính dục. Bên cạnh đó, phương thức biểu hiện cũng được xem như một thành tựu lớn của tiểu thuyết giai đoạn này, đặc biệt khi nhìn từ lý thuyết phân tâm học. Việc sử dụng các biểu tượng, cụ thể hai biểu tượng Nước và Lửa cũng là một sáng tạo độc đáo trong việc thể hiện bản năng người. Đồng thời, việc tạo dựng các kiểu không gian, thời gian, và tổ chức linh hoạt, sáng tạo ngôn từ nghệ thuật cũng trở thành một nét đặc sắc trong quá trình phân tích, khám phá và luận giải con người bên trong. Luận án của NCS. Văn Thị Phương Trang là một cái nhìn mới về bức tranh tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI dưới góc nhìn phân tâm học.
Với ý nghĩa khoa học, giá trị thực tiễn cùng những kết quả mà luận án đã đạt được, các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.
PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, đại diện cơ sở đào tạo…
và PGS.TS Nguyễn Thành, Trưởng khoa Ngữ văn, đại diện đơn vị chuyên môn tặng hoa chúc mừng NCS
Tin: Văn Hùng