Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn học “Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại”

8 năm trước

Ngày 11 tháng 11 năm 2016, tại Hội trường Đại học Huế, số 4 Lê Lợi, thành phố Huế, NCS. Hồ Văn Quốc đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế, Chuyên ngành: Văn học Việt Nam;  mã số:  62.22.01.21, với đề tài “Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Hồ Thế Hà. Các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế của NCS. Hồ Văn Quốc gồm có: GS.TS. Huỳnh Như Phương, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, PGS.TS. Lý Hoài Thu, PGS.TS. Nguyễn Thành, PGS.TS. Trần Thái Học, TS. Nguyễn Văn Quang và TS. Hà Ngọc Hòa. Đến dự buổi lễ bảo vệ luận án của NCS. Hồ Văn Quốc có TS. Trần Trung Hỷ, Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Huế, cùng các quý vị đại biểu, đồng nghiệp, gia đình, bạn bè của NCS.

20161111_172635

NCS. Hồ Văn Quốc đã bảo vệ thành công luận án của mình tại Đại học Huế

Sau khi ra đời ở Pháp vào thập niên 60 (thế kỷ XIX), thơ tượng trưng nhanh chóng vượt qua biên giới, trở thành một trong những hiện tượng độc đáo được phổ biến quan tâm trên toàn thế giới. Từ khi “du hành” vào Việt Nam (khoảng đầu những năm 40 – thế kỷ XX), dưới sự tác động của cơ sở lịch sử, văn hóa, xã hội và trường tri thức thời đại, thơ tượng trưng đã được hưởng ứng rộng rãi, làm nên một khuynh hướng nổi bật của thi ca Việt Nam hiện đại. Sau gần 80 năm tồn tại ở Việt Nam, đối diện với những thăng trầm của lịch sử dân tộc và sự biến thiên trong đời sống văn học, thơ tượng trưng đã dần khẳng định được vị trí, vai trò không nhỏ trên tiến trình hiện đại/hậu hiện đại hóa văn học nói chung và thơ ca nói riêng.

Song song với hành trình tiếp nhận/tiếp biến – sáng tạo là quá trình tiếp nhận – nghiên cứu, đến nay đã có không ít công trình, tiểu luận nghiên cứu về đối tượng này với các quy mô, cấp độ khác nhau (đặc trưng thơ, tác giả, tác phẩm…). Tuy nhiên, đối với một hiện tượng đã “dự phần” quan trọng và đang biến chuyển không ngừng trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại, không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, đánh giá một vài tác phẩm, một số tác giả, mà cần đi sâu nghiên cứu toàn diện trên cơ sở vận dụng những thành tựu của lí thuyết phê bình hiện đại. Trong không gian xã hội cởi mở, dân chủ, giao lưu đa phương, đa chiều, nhu cầu truy tìm, đối thoại, nối kết và khẳng định những giá trị văn hóa/tinh thần thời đại; với độ lùi thời gian gần một thế kỉ nhìn lại, luận án Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại của nghiên cứu sinh (NCS) Hồ Văn Quốc, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, quan trọng và cấp thiết. NCS đã tiếp nối công việc của các nhà nghiên cứu theo hướng vừa chuyên sâu vừa toàn diện, mang lại những nhận thức mới, cái nhìn khác, khoa học, thú vị, hấp dẫn về một trong những khuynh hướng độc đáo trên bản đồ thi ca Việt Nam hiện đại.

2016-11-14-14-55-48

GS.TS. Huỳnh Như Phương, Chủ tịch Hội đồng, thay mặt Hội đồng chúc mừng NCS

Nghiên cứu Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, luận án có những đóng góp khoa học sau:

   Một là, luận án không chỉ cố gắng xác lập các đặc trưng thẩm mỹ và thi học của thơ tượng trưng, mà còn nỗ lực lý giải sự tiếp biến các đặc trưng ấy ở một số nhà thơ, qua ba giai đoạn trên hành trình thơ hiện đại Việt Nam. Từ đó, luận án đi đến khẳng định sự hiện diện của khuynh hướng tượng trưng trong nền thi ca dân tộc; đồng thời, chỉ ra những đặc điểm nổi bật của khuynh hướng ấy.

   Hai là, khi bàn về khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam, nếu các công trình trước đây chủ yếu tập trung vào phong trào Thơ mới thì luận án của chúng tôi đã mở rộng đối tượng khảo sát, kéo dài từ Thơ mới cho đến hôm nay; trong đó, có những gương mặt từng bị lãng quên và những cây bút đương đại đang gây tranh cãi. Vì thế, luận án ít nhiều có tính can dự vào đời sống văn học nước nhà.

   Ba là, với những gì mà chúng tôi trình bày, có thể khẳng định, luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu tổng thể khuynh hướng tượng trưng trong thơ hiện đại Việt Nam. Nó hứa hẹn cung cấp một nguồn kiến thức, tư liệu mới mẻ, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về thơ tượng trưng. Hơn nữa, luận án còn gợi mở nhiều vấn đề giúp người đi sau tiếp tục khai triển chuyên sâu.

Với ý nghĩa khoa học, giá trị thực tiễn cùng những kết quả đạt được, luận án của NCS. Hồ Văn Quốc được các thành viên Hội đồng đánh giá xuất sắc và nhất trí thông qua.

Tin: Văn Hùng