Về việc đọc: Ngôn từ hay Hình ảnh

8 năm trước

Orhan Pamuk

Mang theo một cuốn sách trong túi hay trong giỏ xách của bạn, nhất là những khi buồn, là sở hữu một thế giới khác, một thế giới có thể mang lại cho bạn niềm vui. Suốt thời tuổi trẻ buồn chán của tôi, ý nghĩ về một cuốn sách như thế — một cuốn sách tôi chờ mong đọc — là niềm an ủi giúp tôi vượt qua những buổi học, vì khi ngáp quá nhiều tôi sẽ ràn rụa nước mắt; sau này trong đời, sách giúp tôi chịu đựng những cuộc họp chán ngấy mà tôi phải dự vì nghĩa vụ hoặc vì không muốn bất lịch sự. Tôi sẽ liệt kê ra những điều khiến tôi đọc sách, không phải vì công việc hoặc để học hỏi, mà chỉ để chơi.

1. Hấp lực của cái thế giới khác mà tôi nhắc đến ở trên. Đây cũng có thể coi là một sự đào thoát [khỏi thực tại]. Ngay cả khi chỉ xảy trong trí tưởng tượng của bạn, lẩn tránh nỗi buồn của cuộc sống hàng ngày và thả mình vào một thế giới khác vẫn là điều tốt.

2. Trong khoảng từ mười sáu đến hai mươi sáu tuổi, đọc sách với tôi là nỗ lực chính yếu để biến mình thành một cái gì đó, nâng cao nhận thức, và qua đó định hình tâm hồn tôi. Tôi phải trở thành người như thế nào? Thế giới có nghĩa lý gì? Tư tưởng của tôi có thể vươn xa tới đâu, những mối quan tâm của tôi, những giấc mơ của tôi, những vùng đất tôi có thể nhìn thấy bằng tuệ nhãn? Khi dõi theo cuộc đời, mộng tưởng và nghĩ suy của người khác trong những câu chuyện hay áng văn của họ, tôi biết tôi sẽ lưu giữ họ trong những góc ký ức sâu kín nhất và không bao giờ quên, theo cách mà một đứa trẻ không bao giờ quên lần đầu tiên nhìn thấy một cái cây, chiếc lá, con mèo. Với kiến thức thu lượm được từ việc đọc sách, tôi sẽ vạch đường tôi đến tuổi trưởng thành. Khởi đi với niềm lạc quan trẻ thơ để tạo dựng và định hình chính mình như thế, sự đọc của tôi trong những năm đó là một cam kết nghiêm cẩn và vui thú có nguồn gốc sâu xa từ trí tưởng tượng của tôi. Nhưng bây giờ hầu như tôi không đọc theo cách như thế nữa, và có lẽ đó là lý do tại sao tôi đọc ít hơn nhiều. 

3. Một điều nữa khiến cho việc đọc sách đối với tôi thật vui thú là sự tự ý thức. Khi ta đọc, có một phần trong trí ta kháng cự sự đắm chìm hoàn toàn trong văn bản và chúc mừng ta vì đã dấn thân vào một công việc trí tuệ và sâu sắc như thế: nói cách khác, sự đọc. Proust thấu hiểu điều này. Ông nói có một phần của ta đứng ngoài văn bản ngắm nhìn cái bàn ta ngồi, ngọn đèn hắt sáng, khu vườn quanh ta, hay cảnh trí phía xa kia. Khi ta để ý những thứ đó, cùng lúc ta nhấm nháp nỗi cô đơn của mình, sự vận hành của trí tưởng tượng và tự chúc mừng ta về việc ta sâu sắc hơn những người không đọc sách. Tôi hiểu việc một người đọc, không đi quá đà, có thể muốn tự chúc mừng mình như thế nào, nhưng tôi không kiên nhẫn lắm với những kẻ hãnh diện khi khoe khoang.

Đây là lý do mà khi nói về đời đọc sách của mình, tôi phải nói điều này lập tức: nếu những vui thú tôi mô tả trong điểm 1 và 2 trên đây là những vui thú tôi có thể tìm thấy trong phim ảnh, tivi, hay những phương tiện truyền thông khác, có lẽ tôi sẽ đọc sách ít hơn. Có lẽ một ngày điều đó sẽ xảy ra. Nhưng tôi nghĩ sẽ khó. Bởi vì ngôn từ (và những tác phẩm văn chương mà ngôn từ tạo ra) như nước hoặc như kiến. Không gì có thể xâm nhập vào những khe hở, những lỗ trống và những khoảng cách vô hình trong đời sống nhanh chóng và toàn diện như ngôn từ. Chính trong những khe hở này tinh tuý của sự vật — những sự vật khiến ta băn khoăn về cuộc đời, về thế giới — trước hết có thể được xác định, và chính văn chương đích thực khơi lộ chúng trước tiên. Văn chương đích thực giống như một lời khuyên khôn ngoan chưa được đưa ra, và như thế nó mang trong nó khí chất của tính cần thiết y như những tin tức cập nhật nhất; và đó là lý do chủ yếu khiến tôi vẫn phụ thuộc vào nó.

Nhưng tôi nghĩ sẽ sai lầm nếu nói về niềm vui thú này như đối trọng hoặc cạnh tranh với niềm vui thú của việc xem hay nhìn ngắm. Điều này có lẽ bởi vì, trong khoảng từ bảy đến hai mươi hai tuổi, tôi muốn trở thành hoạ sĩ và dành những năm tháng đó vẽ điên cuồng. Với tôi, đọc là dựng nên một bộ phim của văn bản trong đầu cho mình. Ta có thể ngẩng đầu lên khỏi trang sách để mắt ta nghỉ ngơi trên một bức tranh trên tường, phong cảnh ngoài cửa sổ, hoặc cảnh trí phía xa, nhưng trí óc ta không thu nhận những điều này: Ta vẫn bận rộn với việc dựng phim cái thế giới tưởng tượng trong cuốn sách. Nhìn thấy thế giới mà tác giả tưởng tượng, tìm thấy niềm vui trong thế giới đó, người ta phải vận dụng trí tưởng tượng của mình. Bằng việc trao cho ta ấn tượng của không chỉ là kẻ quan sát một thế giới tưởng tượng mà còn phần nào là người sáng tạo ra nó, sách trao ta khoái cảm kín đáo của người sáng tạo. Và chính khoái cảm kín đáo đó khiến cho đọc sách, đọc những tác phẩm văn chương lớn, thật hấp dẫn với tất cả mọi người và thật thiết yếu đối với nhà văn.

Người dịch: Lâm Vũ Thao, dịch từ bài “On Reading: Words or Images”, rút trong tập Other Colors – Essays and a Story của Orhan Pamuk, bản dịch tiếng Anh của Maureen Freely (London: Vintage, 2008), 110-112.; in trong Orhan Pamuk (2013), Những gam màu khác, chương ba mươi: Về việc đọc: Ngôn từ hay Hình ảnh, Nxb Văn học, H., tr.129-131.